Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, âm nhạc Việt Nam tỏa sáng một tên tuổi: nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Lúc bấy giờ, chưa hề có kỹ thuật truyền hình, cũng chẳng có kỹ thuật video. Sự truyền bá và sức lan tỏa của một ca khúc rất hạn chế, rất khó khăn; người ta chỉ nghe nhạc qua đài phát thanh hoặc loại đĩa bằng nhựa cứng có đường kính cỡ 40 cm. Ấy vậy mà từ lớp thiếu niên đến người lớn tuổi, ai cũng có thể thuộc và hát được những nhạc phẩm của Lê Trọng Nguyễn:
• Bến giang đầu (Nắng chiều 2)
• Cánh nhạn bay qua
• Cát biển (Hoàng hôn trên biển cả)
• Chiều bên giáo đường
• Chim chiều không tổ
• Cung điện buồn
• Dạ khúc
• Đêm mưa bão
• Đừng quên nhau
• Hương một đêm trăng
• Khi bóng đêm về
• Lá rơi bên thềm
• Let's come closer
• Lời việt nữ
• Màu tím cuộc đời
• Mộ khúc
• Nắng chiều
• Ngày mai trời lại sáng
• Nguyện cầu
• Nhìn biển bơ vơ
• Nhớ thu Hà Nội
• Sao đêm
• Sóng Đà giang
• Sóng nước viễn phương
• Thuyền lãng tử
• Tìm nơi em
• Tình vui thôn trang
• Trăng lại sáng
Nhạc sĩ
LÊ TRỌNG NGUYỄN
Lê Trọng Nguyễn là tên thật của ông. Ông sanh ngày 01 tháng 05, năm 1926 tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, ông rất hiếu học. Cha ông mất sớm, mẹ ông quán xuyến gia đình nuôi hai con đi học cho đến tuổi trưởng thành. Em gái ông lập gia đình và qua đời sớm. Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn và mẹ ông nuôi dưỡng tận tình ba người cháu từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Ông khởi sự viết nhạc từ năm 1946, những tác phẩm đầu đời là Đừng Quên Nhau, Trăng Lại Sáng, Thuyền Lãng Tử, Lời Việt Nữ, Ngày Mai Trời Lại Sáng, Nắng Chiều, v.v...
Ông sống bên cạnh gia đình và nghiên cứu âm nhạc. Ông dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu. Với tư chất thông minh và được hấp thụ nền văn hóa Pháp, ông tự học và xin học hàm thụ âm nhạc với một trường dạy âm nhạc tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục gởi tác phẩm của mình qua Pháp để liên lạc và học hỏi thêm nhằm mục đích nghiên cứu và phát triển kỹ thuật viết nhạc. Bắt đầu từ năm 1957, tác phẩm của ông được phổ biến tại Pháp, được biết đến nhiều là bản Sóng Đà Giang.
Ông là hội viên chánh thức của Hội Nhạc Sĩ Pháp (S.A.C.E.M). Ông thường sinh hoạt văn nghệ với các anh em văn nghệ sĩ, nhưng ông không sống bằng làm văn nghệ. Năm 1965, ông làm Giám Đốc Công Ty Centra Co., một công ty thương mại của Pháp. Từ năm 1968, ông là Giám Đốc Điều Hành của Công Ty Sealand tại Đà Nẵng. Ông thường đi vào Sài Gòn họp ban quản trị bằng đường Hàng Không Việt Nam. Nơi đó, ông gặp một người thiếu nữ trẻ. Mối tình nồng nhiệt đã đến với ông và nó đã thay đổi cuộc đời ông. Năm 1970, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nga. Việc chọn lựa hôn nhân này đưa ông đến một quyết định hy sinh lớn lao. Ông xin di chuyển vào Sài Gòn không được, ông từ bỏ chức vụ Giám Đốc Công Ty SeaLand, vào Sài Gòn sống với vợ con trong cảnh nghèo. Năm 1973, ông làm Giám Đốc Nhà Máy Dầu Hỏa Cửu Long, Khánh Hội (Công Ty Mekong của Nguyễn Ngọc Linh). Trong những năm tháng sau biến cố 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn do chính tay ông làm để sinh sống.
Năm 1983 ông sang định cư tại California, Hoa Kỳ với vợ và bốn người con. Ông tiếp tục trao đổi thêm kiến thức âm nhạc tại một trường đại học. Trong đời sống hàng ngày, ông thường sinh hoạt văn nghệ với một nhóm thân hữu.
Bạn rất thân của ông là Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương. Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương đã nói rằng, “Lê Trọng Nguyễn không chỉ là một nhạc sĩ có tài, mà còn là một học giả âm nhạc mà tôi thường bàn luận với ông trong nhiều dịp sang tác.” Năm 1989, Lê Trọng Nguyễn cùng Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương và Nhạc Sĩ Nghiêm Phú Phi soạn thảo một tập nhạc nhỏ.
Những năm sau cùng, ông sống ẩn dật, săn sóc con cái, và viết sách. Đầu năm 2000, ông bắt đầu viết một quyển sách nói về Nghệ Thuật Viết Nhạc. Vào dịp Tết, tháng 02 năm 2003, trong buổi họp mặt cùng các con, ông ân cần đem quyển sách đó ra nói rằng, “Quyển sách ba đã viết xong, ba viết tặng mẹ và các con.” Trong thời gian đang đánh máy để đem đi in thì Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lâm trọng bịnh ung thư phổi và đã qua đời vào ngày 09 tháng 01, năm 2004 tại bệnh viện City of Hope National Cancer Center, California. Quyển sách nầy sẽ được xuất bản trong những năm tới.
Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác ít, nhưng các tác phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật cao và đã được yêu mến từ bao nhiêu năm qua. Bản Nắng Chiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được phổ biến rộng rãi trong nước và ở Đài Loan. Khi được hỏi về các tác phẩm của ông, ông cho biết là bản nhạc mà ông ưng ý nhất về mặt kỹ thuật và yêu mến nhất về mặt nghệ thuật là bản Sao Đêm hoặc Lá rơi bên thềm.
Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn đã ra đi, nhưng nền văn học nghệ thuật Á Châu vẫn giữ lại hình ảnh ông, một nhạc sĩ có tài với kiến thức cao. Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn đã mất, một vì sao vừa mới đổi ngôi. Tuy nhiên, những tia sáng lấp lánh huyền diệu của vì sao ấy sẽ còn chiếu sang mãi trong nền trời âm nhạc của chúng ta.
(Theo Tuyển Tập Nhạc Lê Trọng Nguyễn)
LÁ RƠI BÊN THỀM
Nhạc: Lê Trọng Nguyễn
Lời: Nguyển Hiền
Bích Liên trình bày
Video clip by: Lê Duy, Montreal, Canada (2008)
|